Cẩm nang du lịch Vườn Quốc Gia Cúc Phương - P2

Ninh Bình, Thứ 5 | 14.01.2016

Nội dung

Tiếp tục cập nhật những thông tin hữu ích cho Cẩm nang du lịch Vườn Quốc Gia Cúc Phương, Balodi gửi tới du khách những điểm tham quan khi đến Vườn Quốc Gia: 

Động Người Xưa và Cây Đăng cổ thụ

Động Người Xưa là di tích cư trú và mộ táng của người tiền sử – một di sản quý của Cúc Phương. Từ đường ô tô dừng đỗ ta chỉ đi bộ khoảng 300 mét là đến nhưng cũng phải leo dăm chục bậc đá dốc ngược mới tới được cửa động.

Cây Đăng cổ thụ có hình thái đẹp, cao 45 mét, đường kính 5 mét, cỡ 8 người ôm. Từ cổng vườn theo đường ô tô vào trung tâm, qua Động Người Xưa chừng 2 ki-lô-mét sẽ gặp Cây Đăng cổ thụ ở phía bên trái đường.

Cây Chò Xanh ngàn năm và Động Sơn Cung

Cây có hình thái đẹp cũng cao chừng 45 mét và có chu vi khoảng hai chục người ôm. Từ trung tâm vườn theo đường mòn đi chừng 3 ki-lô-mét là gặp Chò ngàn năm. Cũng trên tuyến này trước khi gặp cây chò chỉ ngàn năm không xa bên tay phải có con đường lên núi, lên Động Sơn Cung, động có nhiều nhũ đá đẹp lung linh của Cúc Phương.

Cây Sấu cổ thụ và bản Mường

Tuyến đường đến điểm du lịch này khá mạo hiểm, nó là tuyến đi bộ xuyên rừng ngủ bản. Từ trung tâm Vườn đi bộ về phía Tây chừng 3 km là tới Cây Sấu cổ thụ. Cây cao tới 45 mét, đường kính 1,50 mét. Cây có hình thái đẹp, du khách không khỏi sững sờ trước hệ thống bạnh vè cao và chạy dài như một bức tường thành. Từ Cây Sấu cổ thụ đi tiếp theo con đường mòn nhỏ chừng 13 ki-lô-mét xuyên rừng là ta tới được bản Mường. Bản Mường nằm bên dòng sông Bưởi thơ mộng với nhiều bản sắc văn hóa truyền thống, những căn nhà sàn thấp lợp lá gồi hoặc cỏ gianh, những khung cửi dệt thổ cẩm sắc màu sặc sỡ.

Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương

Là nơi bảo tồn và nghiên cứu khoa học, những người yêu thích thiên nhiên có thể quan sát các hoạt động, vẻ độc đáo của từng loài linh trưởng và thu thập các kiến thức bổ ích tại đây. Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương hiện nuôi dưỡng gần 160 cá thể của 15 loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam như vọc đầu trắng Cát Bà, voọc mông trắng, voọc chà vá, voọc ngũ sắc, vượn…

Đỉnh Mây Bạc 

Đứng trên đỉnh Mây Bạc cao 648 m, ta có thể thả tầm mắt bao quát toàn cảnh Vườn Quốc gia, trông thấy cố đô Hoa Lư với chùa Bái Đính nguy nga tráng lệ và ngắm nhìn trọn vẹn thắng cảnh Tràng An nằm ở phía bắc Ninh Bình.

Hồ Yên Quang – động Phò Mã

Từ cổng Vườn đi ngược trở ra đường Nho quan khoảng 7 km, đến cầu Tri Phương rẽ về phía tây 30m là đến Hồ Yên quang. Từ hồ 3 leo qua Quèn lá rồi đi vào một thung đất tương đối bằng phẳng, rộng khoảng 100 ha đó là Thung lá. Vượt qua Thung lá, leo tới chân dẫy núi đã vôi là du khách tới Động Phò mã giáng.

(Sưu tầm)

Bài liên quan

Nhận xét

Gửi bình luận